DINH DƯỠNG CÂY TRỒNG

Những ưu điểm của phân hữu cơ sinh học đối với cây trồng

Phân hữu cơ sinh học

Phân hữu cơ sinh học chính là giải pháp cho nền nông nghiệp xanh, đồng hành cùng nhà nông tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn và thân thiện với môi trường. Sử dụng phân hữu cơ sinh học không chỉ giúp thực phẩm “xanh- sạch” hơn mà còn là một phương hướng xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp, các mùn rác thải thành phố trở thành phân bón dinh dưỡng cho cây trồng, gìn giữ môi trường đất.

Bài viết này sẽ giúp bà con hiểu hơn phân hữu cơ sinh học là gì? Lợi ích của phân hữu cơ sinh học. Đồng thời sẽ hướng dẫn bà con kỹ thuật ủ phân hữu cơ sinh học tại nhà từ những nguyên liệu sẵn có trong cuộc sống hàng ngày như phân gia súc, gia cầm, rác thải nông nghiệp… 

Phân hữu cơ sinh học là gì? Những công dụng tuyệt vời của phân hữu cơ sinh học với cây trồng

Phân hữu cơ sinh học là gì?

  • Phân hữu cơ sinh học là loại phân bón hữu cơ được sản xuất từ các nguyên liệu hữu cơ như than bùn, phế phụ phẩm nông nghiệp, mùn rác thải từ thành phố… được xử lý dựa trên quá trình lên men có sự tham gia của các vi sinh vật sống có ích.
  • Phân hữu cơ sinh học giúp tiêu diệt các nấm bệnh và gia tăng hàm lượng các chất dinh dưỡng để cung cấp cho cây trồng. Ngoài ra, nó còn giúp phục hồi sự đa dạng sinh học trong đất và giảm việc sử dụng phân bón hóa học.

Tiêu chuẩn của phân hữu cơ sinh học:

  • Hàm lượng chất hữu cơ trên 22%.
  • Độ ẩm đối với dạng bột không quá 25%.
  • Hàm lượng Nts (Đạm) >2,5%.
  • Hàm lượng axit humic trên 2,5%.
  • Tổng hàm lượng các chất sinh học trên 2%.
  • Đối với phân hữu cơ bón lá, pHH2O khoảng từ 5-7.

Nếu phân có bổ sung chất điều hòa sinh trưởng thì tổng hàm lượng các chất này không vượt quá 0,5%.

Lợi ích của việc sử dụng phân hữu cơ sinh học? Phân hữu cơ sinh học có những công dụng gì?

Các công dụng của phân hữu cơ sinh học đối với cây trồng hiện nay:

  1. Cung cấp các chất dinh dưỡng đa – trung – vi lượng cho cây.
  2. Thúc đẩy các vi sinh vật có lợi phát triển giúp đa dạng hệ sinh thái trong đất và phân giải các chất khó phân hủy thành dạng dễ hấp thu.
  3. Cải tạo kết cấu đất, hạn chế sự rửa trôi.
  4. Thân thiện với môi trường.
  5. Giảm chi phí đầu tư cho nguồn phân bón.

Phân hữu cơ sinh học là loại phân hữu cơ tốt nhất hiện nay, nó cung cấp các chất dinh dưỡng đa – trung – vi lượng cho cây trồng giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh.

Ngoài việc cung cấp các dưỡng chất cần thiết thì phân bón hữu cơ sinh học còn có khả năng thúc đẩy các vi sinh vật có lợi phát triển, giúp đa dạng hệ sinh thái trong đất. Từ đó giúp phân giải những chất hữu cơ khó phân hủy thành chất hữu cơ đơn giản, dễ hấp thu. Phân hủy các độc tố tích tụ trong đất lâu năm và kích thích sự phát triển của cây trồng.

Bên cạnh đó, phân hữu cơ sinh học còn chứa các chất mùn và các loại axit có lợi như axit humic… giúp cải tạo cấu trúc đất, hạn chế sự rửa trôi, chống xói mòn. Nó giúp duy trì độ phì nhiêu trong đất và xử lý các mầm bệnh tàn dư trong đất.  

Đặc biệt, phân hữu cơ sinh học là loại phân bón thân thiện với môi trường thông qua việc hạn chế sử dụng phân hóa học giúp bảo vệ môi trường sống. Khi sử dụng các nguồn nguyên liệu tự nhiên có sẵn còn giúp giảm thiểu các chi phí đầu tư cho phân bón. 

Các loại phân hữu cơ sinh học

Phân hữu cơ sinh học cố định đạm

Phân hữu cơ sinh học cố định đạm là loại phân bón có chức năng cố định nitơ từ không khí biến thành dạng mà cây trồng có thể dễ hấp thu và phát triển tốt. Hiện nay, có 2 dạng phân bón hữu cơ sinh học chủ yếu:

  • Phân có chứa vi sinh vật cố định đạm tự do: Có chức năng cố định đạm trong đất mà không cần tới vật chủ như: Azotobacter, Clostridium…
  • Phân có chứa vi sinh vật cố định đạm cộng sinh: Có chức năng cố định đạm trong đất và cần vật chủ để cộng sinh như Rhizobium cộng sinh với cây họ đậu…

Bên cạnh đó, phân hữu cơ sinh học còn có một số loại vi khuẩn có chức năng cố định đạm tự do mà không cần tới vật chủ và bằng cách cộng sinh như Azospirillum

Phân hữu cơ sinh học phân giải lân

Giống như phân hữu cơ cố định đạm, phân hữu cơ sinh học phân giải lân chứa các vi sinh vật có chức năng phân giải lân từ hợp chất khó tan trong đất thành dạng dễ tan, giúp cây trồng dễ dàng hấp thu chất dinh dưỡng và phát triển.

Phân hữu cơ sinh học phân giải kali và silic

Là loại phân bón hữu cơ sinh học có chứa các vi sinh vật có chức năng phân hủy các hợp chất chứa kali, silic… nhằm giải phóng kali và silic dưới dạng ion để cây dễ dàng hấp thu.

Một số vi sinh vật được sử dụng trong sản xuất phân hữu cơ sinh học phân giải kali và silic như Bacillus circulans, Bacillus subtilis, Pseudomonas striata…

Phân hữu cơ sinh học phân giải chất hữu cơ xenlulo

Là loại phân bón hữu cơ sinh học có chức năng phân hủy các chất hữu cơ, các loại phân chuồng của gia súc, gia cầm ở dạng tươi hoặc xác bã thực vật. 

Các vi sinh vật thường dùng là Bacillus, Streptomyces, Trichoderma…

Phân hữu cơ sinh học ức chế các vi sinh vật gây bệnh

Là loại phân bón có chức năng ức chế các vi sinh vật có hại gây bệnh cho cây trồng nhờ vào các vi sinh vật có khả năng ký sinh, đối kháng, thiên địch hoặc ức chế, kìm hãm các vi sinh vật có khả năng gây hại cho sự sinh trưởng của cây trồng.

Phân hữu cơ sinh học cung cấp dinh dưỡng khoáng vi lượng

Là loại phân bón hữu cơ sinh học có chứa các chủng vi sinh có lợi như Bacillus sp có chức năng hòa tan các khoáng chất vi lượng như Si, Zn… thành dạng dễ hấp thu để cung cấp cho cây trồng.

Phân hữu cơ sinh học sản xuất các chất kích thích sinh trưởng

Là loại phân sử dụng các vi sinh vật có chức năng tiết ra các chất kích thích sinh trưởng như Pseudomonas, Azotobacter, Gibberella fujikuroi… tạo điều kiện thuận lợi để cây trồng sinh trưởng và phát triển.

Phân bón hữu cơ sinh học được sản xuất như thế nào?

Kỹ thuật ủ phân hữu cơ sinh học có khác với quá trình sản xuất phân bón hữu cơ khác không?  Làm thế nào để tạo ra phân hữu cơ sinh học, cùng tìm hiểu ngay quy trình sản xuất phân hữu cơ sinh học đơn giản tại nhà: 

Hướng dẫn kỹ thuật ủ phân hữu cơ sinh học

Hướng dẫn kỹ thuật ủ phân hữu cơ sinh học

Phân hữu cơ sinh học được sản xuất theo quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Muốn sản xuất phân hữu cơ sinh học, bà con cần thực hiện theo đúng các bước cụ thể như sau: 

– Bước 1: Cần xác định loại phân bón hữu cơ sinh học, từ đó chọn ra vi sinh vật cần nuôi cấy để tiến hành ủ phân.

– Bước 2: Thực hiện phân lập và chọn lọc vi sinh vật.

– Bước 3: Chuẩn bị nguyên liệu cần thiết và lựa chọn phương pháp lên men để tạo ra môi trường thuận lợi cho vi sinh vật sinh trưởng và phát triển số lượng lên gấp nhiều lần.

– Bước 4: Tạo ra môi trường lên men tốt nhất để giúp vi sinh vật sinh trưởng nhanh nhất và phải đáp ứng được các điều kiện chất lượng của phân hữu cơ sinh học trước khi đưa vào canh tác.

– Bước 5: Đưa toàn bộ các nguyên liệu sau khi chọn lọc vào sản xuất phân hữu cơ sinh học.

– Bước 6: Sau thời gian đủ tiêu chuẩn, lúc này có thể tiến hành sử dụng.

Các yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng phân hữu cơ sinh học

Khi sử dụng kết hợp thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu với phân hữu cơ sinh học sẽ tác động xấu đến các vi sinh vật trong đất, có thể làm cho chúng chết. Nếu sử dụng lâu dài có thể phá hoại cấu trúc đất, cây sinh trưởng phát triển không tốt.

Ngoài ra, nếu bà con đã sử dụng quá nhiều phân hóa học trước đây, trong đất sẽ còn những tàn dư độc hại làm cản trở hoạt động của các vi sinh vật và sẽ mất nhiều thời gian để cải tạo lại chất lượng đất.

Bên cạnh đó, các yếu tố như nhiệt độ, loại đất trồng, tàn dư phân bón hóa học, việc bón phân không đúng cách đều ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh vật có lợi trong đất.

> Mua ngay: Phân hữu cơ sinh học tốt nhất trên thị trường hiện nay

Chế phẩm sinh học cung cấp dinh dưỡng cho cây

Phân bón hữu cơ sinh học cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng

author-avatar

About Nguyễn Nhã

Chào mọi người, tôi là Nhã. Là một kĩ sư nông nghiệp, tôi hiểu được những khó khăn và thách thức của nền nông nghiệp Việt Nam. Vì thế sau khi tốt nghiệp tôi đã tham gia làm việc tại Đan Mạch, một đất nước có nền Nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới để tìm hiểu xem quá trình sản xuất của họ như thế nào. Giờ đây tôi có thể chia sẽ những kiến thức và kinh nghiệm tôi đã học hỏi được cùng với bà con nông dân, giúp bà con có một vụ mùa thành công.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.