Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, rau Đà Lạt các loại tuy đạt năng suất cao nhưng sức tiêu thụ rất chậm. Dẫn đến việc nhiều hộ nông dân phải cày bỏ toàn bộ làm phân xanh.
Ông Trần Minh Khuê, nông dân ở Phường 7 (Đà Lạt), trồng xà lách cu-ria sản lượng cao nhưng không bán được nên phải bỏ cả vườn. Hợp đồng ông ký với Công ty TNHH Đồng Xanh canh tác 7 sào xà lách cu-ria. Sản xuất theo dạng cuốn chiếu 10-15 ngày xuống giống một lần. Tuy nhiên, giai đoạn này thời tiết thuận lợi nên rau Đà Lạt phát triển tốt và cho năng suất cao nên hiện tại dư thừa khoảng 2 sào.
Ông Nguyễn Quốc Minh Ngữ – Lãnh đạo Công ty TNHH Đồng Xanh cho biết, công ty đang hợp đồng sản xuất rau cu-ria với hàng chục hộ dân. Từ sau Tết Nguyên Đán, lượng rau cung cấp cho chuỗi các nhà hàng quán ăn tương đối ổn định, trung bình mỗi ngày từ 3 – 4 tấn, tuy nhiên do sản lượng của các hộ tăng mạnh dẫn đến tình trạng dư thừa.
Bà Nguyễn Thị Tuyết chuyên cung cấp rau cho các quán ăn tại TP. Đà Lạt lý giải, lượng du khách đến Đà Lạt dịp Tết năm nay giảm mạnh nên lượng rau bà cung ứng chỉ đạt khoảng 50% bình thường. Cũng theo bà Tuyết, do sản lượng rau Đà Lạt cung vượt cầu nên rau bị quá lứa và bị sâu tấn công sẽ không bán được, nhiều hộ nông dân đành phải cày bỏ.
Tại H. Đơn Dương (Lâm Đồng), những ngày này xảy ra tình trạng rau củ rớt giá mạnh. So với trước Tết Nguyên Đán, giá cà chua trên dưới 2.000 đồng/kg, cà tím chỉ 1.000 đồng/kg. Ngược lại, giá ớt xiêm tăng vọt lên đến 60.000 – 70.000 đồng/kg, ớt “hỏa tiễn” giá 40.000 – 50.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Đức Cứ, Trưởng p. Kinh tế TP. Đà Lạt, cho rằng việc người nông dân phải cày rau làm phân xanh là do năng suất tăng cao, nguồn cung vượt cầu so chứ không có sự ảnh hưởng từ dịch Covid-19.