Một nghiên cứu toàn cầu chỉ ra rằng, khoảng 64% đất được sử dụng cho nông nghiệp và cây lương thực có nguy cơ ô nhiễm thuốc trừ sâu và gần 1/3 trong số này đang ở mức báo động.
64% đất canh tác trên thế giới có nguy cơ ô nhiễm thuốc trừ sâu
Các nước châu Á là nơi có nguy cơ ô nhiễm cao nhất điển hình như Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia và Philippines. Đây là các quốc gia ‘vựa lương thực’ hiện đang nuôi sống một phần lớn dân số thế giới.
Trên toàn cầu, 34% các khu vực báo động lại nằm ở các những nơi có đa dạng sinh học cao, 19% ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp và 5% ở các khu vực khan hiếm nước.
Thuốc bảo vệ thực vật có thể dễ dàng thẩm thấu, gây ô nhiễm các sông hồ, mạch nước ngầm. Do đó làm giảm khả năng sử dụng của các nguồn nước.
Nghiên cứu cho biết lạm dụng thuốc trừ sâu đang gây ra tình trạng mất cân bằng hệ sinh thái và làm suy giảm chất lượng nguồn nước mà con người và động vật sử dụng.
“Mặc dù đất nông nghiệp ở Châu Đại Dương có ít nguy cơ ô nhiễm thuốc trừ sâu hơn, nhưng lưu vực sông Murray-Darling của Úc được coi là khu vực đáng lo ngại do vấn đề khan hiếm nước và tính đa dạng sinh học cao của nó,” Phó Giáo sư Federico Maggi, Trường Kỹ thuật Xây dựng và Học viện Nông nghiệp Sydney, cho biết.
Việc sử dụng thuốc trừ sâu trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên khi dân số toàn cầu đạt 8,5 tỷ người vào năm 2030.
Ông Maggi cho biết: “Khí hậu ngày càng ấm hơn và dân số toàn cầu tăng lên, việc sử dụng thuốc trừ sâu chắc chắn sẽ tăng để chống lại sự tấn công của sâu bệnh và để nuôi sống nhiều người hơn”.
Các tác giả của bài báo đã khuyến nghị một chiến lược toàn cầu để chuyển đổi hướng tới một mô hình nông nghiệp an toàn, bền vững hơn nhằm thúc đẩy sản xuất trong khi giảm sử dụng thuốc trừ sâu.