Trong giai đoạn dịch bùng phát khó khăn, giải cứu nông sản mang một ý nghĩa cực kỳ thiết thực. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo chất lượng của “nông sản giải cứu” cũng là một vấn đề rất quan trọng cần được quan tâm.
Giải pháp nào để “kiểm soát chất lượng” nông sản được giải cứu?
Chiều 28/3, trên vỉa hè đường Dương Đình Nghệ, xuất hiện một số sạp bày bán các mặt hàng nông sản như củ đậu, bí, dưa chuột, cà chua… được rất nhiều người dân ghé vào mua. Người bán thông tin, đây là nông sản giải cứu có nguồn gốc từ Hải Dương với giấy tờ đẩy đủ.
Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, có hiện tưởng các loại củ quả bắt đầu hỏng. Khi thắc mắc về chất lượng hàng, người bán trả lời là do hàng giảm giá, bà con nông dân không chăm sóc kỹ được dẫn đến hình thức mẫu mã xấu.
Một điểm bán khác nằm trên đường Lê Quang Đạo, trứng gà “giải cứu” có giá 20.000 đồng/chục. Khi thắc mắc về nguồn gốc xuất xứ và chứng nhận an toàn, người bán chỉ trả lời chung chung rằng đây là trứng gà thu mua ở Hải Dương chứ không có tổ chức, đơn vị nào đứng ra.
Hỏi thêm về chất lượng sản phẩm, người bán quảng cáo “đây là trứng ‘gà ác’, tuy hơi nhỏ nhưng ăn rất ngon”.
Tuy nhiên, qua cảm quan bên ngoài, nhiều người cho rằng đây là trứng gà bình thường do nhỏ quá nên bị thải loại.
Chúng tôi rất hy vọng dù là để chung tay hỗ trợ nhau vào thời điểm khó khăn, thì chất lượng sản phẩm vẫn phải được ưu tiên hàng đầu để đảm bảo an toàn thực phẩm, đúng như chia sẻ của ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương: “Không thể vì ‘giải cứu nông sản’ mà phớt lờ các tiêu chuẩn, tiêu chí về chất lượng sản phẩm. Việc này sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu nông sản của tỉnh nhà”.